Theo thống kê, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Dù áp đảo là vậy nhưng so về “chất”, các doanh nghiệp SMEs (DN vừa và nhỏ) Việt Nam vẫn đang “lay lắt”, chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do các doanh nghiệp chưa thực sự bắt nhịp với thị trường. Tại sân chơi mà “người người, nhà nhà làm Marketing”, doanh nghiệp SMEs vẫn gặp quá nhiều vấn đề:
- Không có phòng Marketing nên thua thiệt với đối thủ.
- Có phòng marketing nhưng nhân sự yếu, hiệu quả hoạt động kém.
- Không đủ tiền thuê nhân sự cứng về marketing do chi phí cố định hàng tháng rất cao.
Trước hàng loạt bất ổn đó, một giải pháp ngắn hạn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đó là thuê Agency để thực hiện các chiến dịch của mình. Và hiển nhiên công việc được bóc tách nhỏ lẻ cho nhiều đối tác chỉ bởi vì Agency đa số đều thực hiện các nghiệp vụ riêng biệt. Điều này gây không ít phiền toái chưa kể hiệu quả không được cao. Dù sao đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không thể mang lại sự phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề này, chi bằng tự xây dựng cho doanh nghiệp của mình một phòng Marketing thật sự hiệu quả. Nếu có chung suy nghĩ đó thì bài viết này chính là dành cho bạn.
CÁCH XÂY DỰNG MỘT PHÒNG MARKETING HIỆU QUẢ
Đi sâu vào thực tế hoạt động của từng doanh nghiệp, dễ thấy một điều: Các doanh nghiệp có cấu trúc các bộ phận, phòng ban chưa hoàn chỉnh. Do đó thường phòng Marketing cũng chưa hình thành hoặc không có nhiều việc. Phòng Kinh doanh vẫn quan trọng hơn nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Hoặc các doanh nghiệp không cần tới những nghiệp vụ Marketing phức tạp, trong khi rất cần thiết phải có hệ thống phân phối mạnh. Bộ phận bán hàng giữ vai trò quan trọng hơn Marketing. Điều này gây nên sự nhầm lẫn rất lớn về chức năng phòng Marketing và phòng Kinh doanh. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên là phải phân định rạch ròi vấn đề này.
1. Rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ
Thông thường, phòng Marketing cần thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu sau: – Thỏa mãn nhu cầu của khách hàng: Là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Các nỗ lực của phòng Marketing nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Làm cho họ hài lòng, trung thành với công ty, qua đó thu phục thêm khách hàng mới. – Chiến thắng trong cạnh tranh: Giải pháp Marketing giúp doanh nghiệp đối phó tốt các thách thức cạnh tranh. Bảo đảm vị thế cạnh tranh thuân lợi của doanh nghiệp trên thị trường. – Duy trì lợi nhuận lâu dài: Phòng Marketing phải xây dựng các kế hoạch nhằm tạo ra mức lợi nhuận cần thiết giúp doanh nghiệp tích lũy và phát triển. 2. Cấu trúc nội bộ phòng Marketing Để thực hiện các nhiệm vụ trên, bộ phận marketing nên được cấu trúc theo 2 nhóm công tác:
- Nhóm chức năng
- Nhóm tác nghiệp trực tiếp.
Trong đó, nhóm chức năng chịu trách nhiệm nghiên cứu, kế hoạch hoá hoạt động và chương trình marketing. Nhóm tác nghiệp trực tiếp có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chương trình marketing (tuyên truyền quảng cáo, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ khách hàng,…). Lưu ý là việc cấu trúc nội bộ phòng marketing phụ thuộc điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Không nhất thiết cấu trúc theo 2 nhóm như đã trình bày trên. Số lượng nhóm công tác của bộ phận marketing có thể nhiều hơn hay ít hơn nhưng không nên quá nhiều hoặc quá ít. Như vậy, doanh nghiệp có thể tổ chức nội bộ phòng marketing của mình bằng cách sử dụng tổng hợp nhiều tiêu thức. Chỉ cần cách tổ chức đó cho phép thực hiện tốt nhất mục tiêu của doanh nghiệp.
3. Tạo chiến lược marketing hiệu quả
Dù bạn là chủ một công ty có hàng trăm nhân viên hay đơn giản chỉ sở hữu một cửa hàng nho nhỏ. Để kinh doanh thành công bạn cần có một chiến lược tiếp thị hiệu quả và thường xuyên áp dụng nó. Tuy nhiên, điều này không đòi hỏi bạn phải bỏ ra quá nhiều tiền của. Cũng như không nhất thiết bạn phải là một thiên tài sáng tạo. Bạn hoàn toàn có thể tạo dựng một nền tảng tiếp thị bền vững và mạnh mẽ theo 8 “chiêu thức” sau:
1) Xác định rõ sản phẩm hay dịch vụ của bạn
Sản phẩm hay dịch vụ của bạn được phục vụ như thế nào? Đó có phải là cái mà khách hàng của bạn thực sự muốn mua không?,…
2) Xác định rõ thị trường mục tiêu của bạn
Bạn có thể xác định những khách hàng lý tưởng của mình theo phương diện thu nhập, tuổi tác, khu vực địa lý, số nhân viên, doanh thu, ngành nghề…
3) Hiểu rõ những đối thủ cạnh tranh
Sẽ có một cái gì đó đang cạnh tranh “hầu bao” các khách hàng tiềm năng của bạn. Bạn cần tìm hiểu xem đó là gì và tại sao các khách hàng tiềm năng lại chịu “dốc túi” cho nó? Đâu là lợi thế cạnh tranh hay khẳng định bán sản phẩm độc đáo của bạn?
4) Tìm vị trí thích hợp
Liệu có một phân khúc thị trường nào đó hiện đang chưa có ai đảm nhiệm hay vẫn chưa được phục vụ tốt không?
5) Tăng cường sự ghi nhận của khách hàng với sản phẩm của bạn
Các nhu cầu thường phát sinh khá ngẫu nhiên. Do đó, bạn gần như phải thường xuyên có mặt trước khách hàng của bạn lúc họ nhớ ra sản phẩm của bạn khi có nhu cầu.
6) Gây dựng sự tín nhiệm
Các khách hàng không chỉ cần biết tới sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Họ cũng cần phải có quan điểm tích cực về nó. Các khách hàng tiềm năng phải thấy tin tưởng là bạn sẽ cung cấp hàng hoá đúng như những gì bạn đã nói. Nhất là với những khách hàng lớn, bạn cần cho họ cơ hội được dùng thử, nếm thử các sản phẩm, dịch vụ của bạn theo một cách nào đó.
7) Kiên trì
Điều này bao gồm thái độ chăm chút của bạn tới các vật liệu phụ kiện, các thông điệp bạn gửi tới khách hàng và chất lượng chăm sóc khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm. Kiên trì, bền bỉ là yếu tố quan trọng hơn cả việc bạn cung cấp ra loại sản phẩm tốt nhất.
8) Duy trì độ tập trung
Chiến lược tập trung sẽ cho phép bạn tận dụng tối đa, hiệu quả các nguồn thời gian và tài chính vốn không quá dồi dào. Bạn sẽ thu về khoản ngân sách chi cho quảng bá sản phẩm lớn hơn rất nhiều nếu bạn dùng chúng để quảng cáo một loại sản phẩm trong một thị trường mục tiêu đã được thu hẹp và tiếp tục quảng cáo sản phẩm này trong thị trường đó liên tục một thời gian.
4. Xây dựng một phòng Marketing dày dặn kinh nghiệm
Một chiến dịch quảng cáo tốt có lẽ sẽ là yếu tố quan trọng nhất để quyết định sự thành công trong việc phát triển của một dự án. Vì vậy, xây dựng một bộ phận Marketing dày kinh nghiệm là điều mà bất kì doanh nghiệp nào cũng cần có. Để có thể làm được điều đó, hãy tham khảo ngay 4 bí quyết sau đây nhé!
– Tự huấn luyện bản thân
Đa số các ông chủ đều suy nghĩ rằng mình là một người có nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu rõ về thị trường. Đôi khi, những người làm việc dưới quyền có thể hiểu rõ về các mảng trong vấn đề Marketing. Bạn có thể chưng cầu ý kiến của họ. Nhưng cũng cần tỉnh táo để không nghe theo những lời khuyên của cấp dưới một cách mù quáng. Chính vì vậy, đừng quên sự giúp đỡ đắc lực của công nghệ. Ngay cả khi bạn quá bận bịu với công việc và có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Hãy dành thêm một chút thời gian để học hỏi thêm về những kiến thức mà bạn đang còn thiếu. Tin tôi đi, đó sẽ là một khoản đầu tư không hề phí phạm chút nào! Như vậy, khi bộ phận Marketing trình bày các ý tưởng và kế hoạch của mình, bạn có thể hiểu rõ ràng mọi mặt của vấn đề, về hệ thống, các rủi ro và cả những thành tựu mà công ty có thể đạt được.
– Tuyển dụng các ứng viên đa tài
Tiếp thị luôn luôn đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng. Vì thế, bạn không chỉ cần tìm một người ứng viên giỏi chuyên môn mà còn cần một người có khả năng xử lí tình huống và giao tiếp tốt. Rất nhiều công ty tuyển dụng nhân viên đều có suy nghĩ: “Tất cả những ai làm trong công ty quảng cáo là có thể làm marketing”. Oh, không phải như vậy! Quảng cáo chỉ là một phần rất nhỏ trong hoạt động Marketing. Thay vì tìm một người giỏi về làm quảng cáo, hãy chọn người có thể đồng thời làm quảng cáo và biết cách giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Họ sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn trong việc giải đáp thắc mắc của các thượng đế. Việc tuyển dụng các nhân viên như thế này vừa giúp làm giảm chi phí, vừa có thể tiết kiệm thời gian giải quyết vấn đề.
– Đầu tư vào các hệ thống hợp tác đáng tin cậy
Các nhà quản trị Marketing tài năng biết rằng họ không thể làm việc một mình. Họ biết mình cần có đội ngũ, cần phối hợp tốt với mọi người không chỉ những người trong bộ phận marketing mà còn với các bộ phận khác trong công ty. Ví dụ như sales, design, nhân sự, IT,… Teamwork là tinh thần chủ đạo của những người làm marketing. Và các nhà quản trị Marketing tài năng đủ thông minh để nhận ra điều này. Vì vậy, thiết lập một hệ thống để giúp các nhân viên dễ dàng làm việc và tương tác với nhau thì cũng đồng nghĩa với việc các phòng ban sẽ hoạt động năng suất và hiệu quả hơn. Hãy thử tham khảo Brown Boot Works, Google Cloud,… Nhờ có những hệ thống như thế này, năng suất làm việc thậm chí có thể tăng lên 2.5 lần.
– Thường xuyên đón nhận các phản hồi
Bộ phận Marketing thường xuyên phải suy nghĩ và đưa ra các ý tưởng thu hút khách hàng. Vì thế chắc chắn cũng cần được lắng nghe các phản hồi từ cả những khách hàng và các nhân viên để có thể rút kinh nghiệm và nâng cao năng lực. Vì thế, việc thu thập phản hồi hai lần mỗi tháng là một điều nhất thiết phải thực hiện. Còn nữa, làm thế nào để các nhân viên có thể thoải mái và thẳng thắn đưa ra các ý kiến mà không sợ bản thân bị ảnh hưởng. Đây cũng chính là phần khó khăn nhất của quá trình này. Trong trường hợp này, biện pháp hữu hiệu nhất chính là xây dựng một hệ thống giúp họ có thể phản hồi mà không cần phải ghi rõ danh tính.
LỜI KẾT
Bộ phận Marketing là vô cùng quan trọng với mỗi công ty. Mỗi CEO cần xây dựng nó cho công ty mình. Với bài viết này hẳn bạn đã nắm được cách xây dựng phòng Marketing như thế nào rồi đúng không? Chúc các bạn xây dựng phòng marketing thành công và luôn là đơn vị đi đầu. Xem thêm Những bài học kinh doanh từ chiến dịch marketing của Coca-Cola
Theo: vietnamdigital